0845566899 /0833466689 / 02463267889

quypv@vites.com.vn/ info@vites.com.vn

Bài học từ việc quản lý rác thải ở Nhật Bản

Phát triển kinh tế mạnh mẽ ở các nước châu Á dẫn đến một hệ lụy không thể tránh khỏi cho hầu hết tất cả các quốc gia: tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng ở các đô thị lớn, nơi các núi rác ngày càng được chất cao. Tuy nhiên chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của nước bạn Nhật Bản trong việc kiểm soát lượng rác thải ra môi trường.

 Nhờ có công nghệ xử lý khép kín, đồng bộ, hiệu quả, Nhật Bản đã hạn chế lượng rác thải ra môi trường còn dưới 10%. Nhờ đó, nước này tiết kiệm được đáng kể quỹ đất lãng phí, tránh các tác động tiêu cực đến môi trường, nhất là đời sống người dân khu vực bị quy hoạch làm bãi rác.

Thành phố 10 triệu dân Tokyo chỉ có 1% rác bị thải ra môi trường

 

Tokyo - Thành phố không rác thải

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Nhật Bản, đặc biệt là thủ đô Tokyo, gặp nhiều vấn đề nan giải liên quan đến xử lý rác thải và vệ sinh môi trường. Nền kinh tế tăng trưởng phi mã, bùng nổ dân số khu vực đô thị khiến môi trường TP Tokyo ảnh hưởng nghiêm trọng, lượng rác thải đạt mức kỷ lục có thời điểm lên đến 13.000 tấn/ngày.

Khi đó, TP đã rất mạnh tay trong công cuộc xử lý rác thải, yêu cầu người dân cắt giảm lượng rác, tái chế và tái sử dụng (Chiến dịch 3R). Thành phố cũng cho xây dựng hệ thống các nhà máy thu gom, xử lý rác khổng lồ trị giá hàng tỷ USD, tiến hành việc phân loại rác tại nguồn và xử phạt nặng những người cố tình không chấp hành.

Bên cạnh đó, TP tổ chức các chuyến tham quan miễn phí đến các nhà máy xử lý rác để họ thấy được sự vất vả của công nhân ở đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân. Các bậc học từ tiểu học đến trung học cũng phải tham gia những chuyến đi như vậy để hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Đến nay, Tokyo đang là thành phố thành công nhất trên thế giới trong lĩnh vực xử lý rác thải với chỉ 1% lượng rác được thải ra môi trường. Ước tính mỗi năm TP Tokyo chi khoảng 110 tỷ Yen (tương đương với 1,1 tỷ USD, khoảng 25.000 tỷ đồng) cho các hoạt động thu gom, xử lý rác thải.

Trong khi ở Mỹ có tới 55%, Canada 30% hay Hà Nội, TP.HCM vẫn có trên 80% rác thải xử lý bằng chôn lấp. Ngoài các giải pháp bền vững, thân thiện với môi trường, an toàn với con người, việc nâng cao ý thức người dân cũng được chính quyền TP Tokyo quan tâm.

 Không chỉ là rác mà còn là tài nguyên

Hiện tại, dân số Tokyo vào khoảng 9,2 triệu người, mỗi ngày lượng rác sinh hoạt thải ra khoảng 9.000 tấn, và gần như 100% được đưa thẳng đến nhà máy đốt. Rác sau khi được nghiền và ép thành khối bằng nhau sẽ được đốt ở 800 độ C, ở nhiệt độ này, rác sẽ giảm thể tích và khối lượng xuống chỉ còn 1/20.

 Nguyên lý của công nghệ xử lý rác thải ở Tokyo

Gồm 3 bước: Nghiền - ép - đốt, rác sau khi được thu gom sẽ được nghiền và ép thành từng khối lớn có kích thước bằng nhau để khi đốt tiết kiệm được thể tích lò đốt, tiết kiệm thời gian và công sức của công nhân nhà máy.

Một số chất hóa học được thêm vào để trung hòa các loại khí độc hại thoát ra trong quá trình đốt. Vì vậy, hơi thoát ra từ những nhà máy đốt rác khổng lồ này thường chỉ là hơi nước và gần như không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trả lời phỏng vấn kênh ABC, ông Wataru Sasaki, quản lý Nhà máy xử lý rác Toshima, TP Tokyo cho biết một khối rác sẽ giảm thể tích xuống còn 1/20 khi đốt xong và việc này giúp cho thành phố Tokyo tiết kiệm được rất nhiều quỹ đất cho việc chôn lấp.

"Ở Tokyo chỉ còn duy nhất 1 bãi chôn lấp, nếu chúng tôi không giảm lượng rác thải ra bãi chôn lấp này, thế hệ sau sẽ không thể tiếp tục sử dụng nữa", ông Sasaki cho biết.

Chỉ riêng TP Tokyo đã có 21 nhà máy xử lý rác thải, trong đó nhà máy lớn nhất, Toshima giúp thành phố xử lý khoảng 400 tấn rác một ngày và khoảng 150.000 tấn/năm.

Một điều đặc biệt là để vận hành những nhà máy này tiêu tốn một lượng điện năng khổng lồ, nhưng cả 21 nhà máy ở đây gần như không tiêu tốn một chút điện nào từ mạng điện lưới quốc gia.

Chính quyền TP Tokyo ước tính, số lượng điện dư từ quá trình đốt rác có giá trị khoảng 9,8 tỷ yen mỗi năm (khoảng 1.800 tỷ đồng). Thậm chí, các kỹ sư ở đây còn tìm ra cách tận dụng hơi nước nhiệt độ cao để cung cấp cho các bể bơi xung quanh và trồng các loại cây nhiệt đới.

 Lý thuyết thường dễ hơn thực tiễn

Nghe có vẻ lý tưởng, nhưng theo giáo sư Shusaku Yamaya, ĐH Toyo, Nhật Bản, để làm được điều này không hề đơn giản: "Chính phủ Nhật Bản có các quy định rất khắt khe về khí thải ra môi trường. Chúng tôi chỉ được phép đốt rác sau khi nó đã được phân loại kỹ càng, bởi một số loại rác nếu đốt sẽ sản sinh ra khí dioxin, nguy hiểm với sức khỏe con người. Thậm chí nhiệt độ và độ lớn của lò đốt rác cũng phải được giám sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn và hiệu năng của quá trình".

 Ông cho biết thêm rất nhiều nhà máy đốt rác nhỏ lẻ ở Nhật đã bị đóng cửa vì không đảm bảo đủ quy mô, nhiệt độ của lò. Nhờ có việc xử lý được triệt để nên lượng rác được xử lý ở đây lên đến 99%.

 Một số nước như Malaysia đã bắt đầu cử các kỹ sư đi học hỏi mô hình xử lý rác thải ở Tokyo, mỗi năm họ cũng chi nhiều tiền để mời các chuyên gia của Nhật Bản giúp họ xây dựng một mô hình xử lý rác thải hiện đại, hiệu quả và bền vững. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật cũng giúp Malaysia trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, vận động người dân tham gia góp sức vào nỗ lực xử lý rác thải của thành phố.

 Học cách vứt rác của người Nhật

Cùng với các giải pháp khoa học và công nghệ, các quy định phù hợp và nghiêm khắc về bảo vệ môi trường, để có một thủ đô Tokyo xanh, sạch đẹp như ngày nay phải dựa trên một yếu tố quyết định, đó là ý thức người dân trong việc vứt rác cũng như bảo vệ môi trường.

Ngày gia đình tôi mới sang Nhật, khi vào nhận căn hộ, chúng tôi được người quản lý hướng dẫn tỉ mỉ mất cả buổi sáng, trong đó hướng dẫn an toàn cháy nổ và phân loại rác là mất nhiều thời gian nhất. Chúng tôi ở tầng 4 một chung cư 12 tầng, ở mỗi tầng đều có một phòng  nằm ở cuối hành lang dùng để chứa rác thải.

Trong căn phòng đó có 12 thùng rác lộ thiên dùng để vứt các loại rác vô cơ, không có nắp đậy và một thùng rác kín có nắp đậy dùng để vứt rác hữu cơ (rau, củ, phụ phẩm thực phẩm, thùng này bên trong còn được lót sẵn túi nylon đề phòng nước từ rác chảy ra dù rác vứt vào đó cũng đều phải bỏ vào túi, bao chứ không được vứt thẳng rác vào thùng).

Phân loại rác với ghi chú và nhãn dán bên ngoài thùng

 

12 loại rác vô cơ được phân ra từng thùng với ghi chú và nhãn dán ở bên ngoài thùng, gồm có: 1- rác cháy được (giấy lẻ, vụn, túi giấy, vải, vỏ hộp bánh kẹo), 2- rác nhựa (đồ chơi trẻ em, túi nylon, nắp chai nhựa,..), 3- vỏ chai nhựa (đã bỏ nắp), 4- chai thủy tinh (đã bỏ nắp nhựa hoặc kim loại), 5- vỏ hộp kim loại, 6- thủy tinh (gốm, sứ, thủy tinh vỡ), 7- giấy báo (sách, vở nguyên quyển buộc thành bó), 8- bìa hộp carton (đã gỡ thành miếng), 9- rác nguy hiểm (pin), 10- rác nguy hiểm (kim khâu, kim tiêm, móc câu), 11- rác kim loại (mắc áo, kìm, tuốc nơ vít), 12- đồ điện, điện tử (máy sấy tóc, quạt điện- chiều cao hay bề ngang không quá 30cm, đồ chơi điện tử, điện thoại di động).

Quả thật, với 40 năm quen nếp sống cứ rác là vứt, bất kể thể loại thì quả đây là một thói quen mới không hề dễ học. Mỗi nhà còn được phát một cuốn hướng dẫn vứt rác do thành phố Tokyo in, quả là không phải tự nhiên người ta phải in một cuốn sách mấy trăm trang như vậy.

Ví dụ như bỉm vệ sinh của con bạn sẽ vứt vào loại rác nào, khi bên ngoài nó là bông, vải sẽ phải vào thùng rác cháy nhưng bên trong nó là chất hữu cơ sẽ phải vứt vào thùng rác hữu cơ. Hay như con bạn có đồ chơi trong đó có pin, pin sẽ phải tháo ra để bỏ vào loại rác nguy hiểm, cái đó dễ rồi. Nhưng đồ chơi đó lại có cả bộ phận bằng kim loại và bộ phận bằng nhựa, vậy sẽ bỏ vào loại rác nào? Trong cuốn hướng dẫn đó có đủ cả, bạn chỉ phải chịu khó làm theo hướng dẫn sử dụng trước khi dùng