So sánh sản phẩm
chọn tối đa 4 sản phẩm

Tin tức


  • Bầu trời Hà Nội bị ô nhiễm bụi hô hấp từ lúc nào?

    Bầu trời Hà Nội bị ô nhiễm bụi hô hấp từ lúc nào?
    Xin đừng nhầm lẫn giữa bức màn trắng mờ này với màn sương sớm thơ mộng trên triền núi chiều tà Tây Bắc. Bụi PM2,5 chủ yếu chứa các thành phần ammonium, sulphate, tro bay,... ngoài ra có nhiều bụi vật liệu xây dựng, phương tiện giao thông.

    Vấn đề ô nhiễm bụi hô hấp
    Trong mấy tuần nay, vấn đề ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được nhắc tới như là một tình huống đột xuất, khiến dân chúng lo lắng, chính quyền khá bị động trong cách xử lý. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý môi trường sau một thời gian cân nhắc đã lên tiếng, đưa ra giải thích, trấn an và cả cảnh báo. Một số người đặt vấn đề Hà Nội phải có một đề tài nghiên cứu khoa học để giải quyết vấn đề thật bài bản.

    Thật sự đây có phải là tình hình mới phát sinh không? Có phải chúng ta chưa có thông tin về những nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng sức khỏe một cộng đồng dân cư hàng chục triệu người ở những đô thị lớn nhất không?

    Bụi mịn kích thước 2,5 micromet (PM2,5) và từ 2,5 đến 10 micromet (PM10) được phân loại và xếp hạng là những nguồn ô nhiễm không khí có kích thước đủ nhỏ để thâm nhập dễ dàng vào cơ quan hô hấp, gây các bệnh cấp và mãn tính, vì vậy nó còn được gọi là bụi hô hấp. Nó từ đâu đến và tại sao những tháng mùa thu Hà Nội đẹp trời lại là lúc dân chúng phải đón nhận một nguy cơ ngược với mong đợi như vậy?

     

    Những nghiên cứu sớm về bụi mịn tại Hà Nội
    Quay lại 20 năm trước, một đề tài khoa học cấp nhà nước được thực hiện ở Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Hà Nội) trong năm 1998-1999 nghiên cứu “Ô nhiễm bụi hô hấp có phân biệt kích thước hạt trong môi trường khí đô thị và môi trường sản xuất”. Sau đó hai năm 2000 - 2001 Viện có thêm đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu xác định các yếu tố tác động đến ô nhiễm bụi hô hấp PM-10 trong quá trình công nghiệp hoá”.

    Bằng những phương pháp lấy mẫu không khí ở tầng mặt đất (gồm cả trạm đặt tại đài khí tượng thuỷ văn Láng) qua các màng lọc chuẩn, người ta đã phân loại được hạt xôn-khí có kích thước bụi hô hấp. Các phép phân tích vật lý và hóa học tiếp theo tách được tất cả các thành phần độc hại của thứ bụi này. Hơn nữa, việc lấy mẫu theo thời gian trong mỗi mùa, mỗi năm và kéo dài liên tục đã cho thấy độ ô nhiễm xảy ra có quy luật lặp lại theo thời gian, mùa vụ trong nhiều năm.

    Bầu trời Hà Nội bị ô nhiễm bụi hô hấp từ lúc nào?

    Chúng ta thấy rõ ràng là các mùa trong năm có độ ô nhiễm bình quân dưới 40 µg/m3, nhưng riêng những tháng cuối năm tăng vọt đến trên 80 µg/m3, cận kề mức báo động có hại cho sức khỏe. Phân tích yếu tố thời tiết khí hậu, đó là những tháng trời ít mưa, đêm lạnh dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt, tức trên nóng dưới lạnh, ngăn cản bụi hô hấp bốc lên cao và không thể phát tán pha loãng. Chúng tích tụ trong nhiều ngày. Khi có điều kiện, hơi ẩm ngưng tụ trên các tâm bụi tạo ra một màn sương độc hại duy trì đến tận quá giữa trưa, khiến tầm nhìn xa bị giảm khi quan sát từ các tòa nhà cao tầng.

    Xin đừng nhầm lẫn giữa bức màn trắng mờ này với màn sương sớm thơ mộng bay là là mặt hồ Tây ngày xưa hoặc trên triền núi chiều tà Tây Bắc! Cũng theo các nghiên cứu trên, bụi PM2,5 chủ yếu chứa các thành phần ammonium, sulphate, tro bay v.v. được đưa đến từ xa; ngoài ra có nhiều bụi vật liệu xây dựng, bụi từ phương tiện giao thông và do đốt rơm rạ.

    Bụi PM10 cũng chứa nhiều xôn-khí ammonium và sulphate, nhưng có nguồn gốc đáng kể từ môi trường đất, một phần xôn-khí từ muối biển, tro bay từ xa và cả bụi tro từ đốt than tổ ong... Đề tài đã chỉ ra các nguồn phát gây ô nhiễm ngay tại Hà Nội là từ vật liệu xây dựng, khí thải xăng xe, đốt than tổ ong, đốt rơm rạ ... cùng với nguồn từ xa do các nhà máy điện than và công nghiệp khác dùng nhiên liệu hoá thạch, bụi đất mịn và xôn-khí biển ...

    Phải làm gì đây?
    Như vậy ý kiến giải thích của cơ quan chức năng quản lý bảo vệ môi trường trong những ngày gần đây cũng không có điều gì quá mới lạ so với  kết quả nghiên cứu 10 năm trước, nhưng dường như các nghiên cứu 20 năm trước không được nhắc đến. Mặt khác Hà Nội đang đề xuất các nhà khoa học ở Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam khẩn trương lập đề tài nghiên cứu đánh giá sâu về tình hình ô nhiễm tương tự và đề xuất biện pháp khắc phục.

    Vậy báo cáo khoa học đã được Hội đồng nghiệm thu gần 20 năm trước nay đang ở đâu? Ai đang “cất chúng vào ngăn kéo” như chúng ta từng nghe dư luận phê bình các nhà khoa học, khi cho rằng họ chỉ nghiên cứu những vấn đề qúa xa vời mà có rất ít tác dụng cho thực tiễn cuộc sống! Trong trường hợp này chắc không phải vậy: các nhà khoa học đã công bố số liệu đầy đủ, chỉ có người đáng lẽ cần sử dụng kết quả thì dường như để quá lâu không dùng và nay đã không biết đến nó nữa.

    Thật ra chúng ta không phản đối việc triển khai những đề tài mới tương tự, bởi các số liệu khoa học luôn cần tiếp tục cập nhật và kiểm định theo thời gian. Tuy nhiên, chúng phải có tính kế thừa để làm cho tốt hơn, giàu ý nghĩa hơn. Nếu không như vậy thì sẽ lặp lại những việc cũ vừa khó khăn, tốn nhiều thì giờ, ngân sách và đó sẽ là sự lãng phí thực sự. Hơn nữa, một nguyên tắc đạo đức khoa học là phải tôn trọng những tác giả đi tiên phong.

    Vì vậy trước khi đề xuất những đề tài mới, phải chăng chúng ta hãy cố gắng tham khảo và kế thừa những gì đã từng có để áp dụng ngay, để khoa học có ích sớm hơn cho cuộc sống? Mà “cuộc sống” trong vấn đề ô nhiễm không khí đề cập ở trên lại rất cụ thể đúng theo nghĩa đen, nó là nỗi băn khoăn lo lắng, là đòi hỏi bức thiết được bảo vệ sức khoẻ của hàng chục triệu dân cư Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang hứng chịu ô nhiễm bụi hô hấp trong mùa nghịch nhiệt tháng 9 tháng 10 vừa qua.
     
  • ĐIỂM TIN: Buổi tối ô nhiễm hơn ban ngày, càng lạnh càng nhiều bụi PM2.5

    ĐIỂM TIN: Buổi tối ô nhiễm hơn ban ngày, càng lạnh càng nhiều bụi PM2.5
    Nghiên cứu của TS Lý Bích Thuỷ (Viện Khoa học & Công nghệ Môi trường - ĐH Bách Khoa Hà Nội) chỉ ra rằng, nồng độ PM2.5 tại Hà Nội thường cao vào khoảng tháng 12 và tháng 1, đặc biệt là buổi đêm. Vào những tháng mùa hè (tháng 5 – tháng 8), nồng độ PM2.5 tại Hà Nội sẽ thấp hơn hẳn.
    Đặc điểm của ô nhiễm bụi mịn trong không khí ngược hoàn toàn so với các khí thải từ phương tiện giao thông như CO, NO. Nếu xét theo các khoảng thời gian trong ngày, nồng độ bụi mịn trong không khí tại Hà Nội sẽ ở ngưỡng thấp vào buổi trưa và cao dần vào buổi tối và sáng sớm. Chỉ số PM2.5 sẽ tăng dần về đêm và sáng sớm. Với những ngày mà nhiệt độ thấp hơn 2 độ so với ngày hôm trước đó, nồng độ bụi ban đầu sẽ thấp nhưng sau đó lại vọt lên rất cao.

     
    Buổi trưa, hàm lượng bụi mịn không khí tại Hà Nội ở mức thấp nhất.

    Lý giải cho điều này, TS Lý Bích Thuỷ cho rằng có sự tương quan giữa các điều kiện khí tượng và nồng độ bụi. Vào ngày lạnh sẽ có các khối áp cao xuất hiện phía trên. Các bụi cám lơ lửng trong không khí vì thế bị tồn đọng lại, không khuyếch tán được. Điều này dẫn đến việc nồng độ bụi mịn PM2.5 tăng lên trong không khí. Điều tương tự cũng đã từng xảy ra tại Trung Quốc khi quốc gia này gặp phải những điều kiện khí tượng bất lợi. Tuy nhiên do tính chất của thời tiết, nồng độ bụi trong không khí thường chỉ cao lên theo từng đợt. "Để giải quyết tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong không khí, không có cách nào ngoài việc giảm phát thải của con người và kết hợp cùng các nhóm giải pháp khác", TS Thuỷ cho biết trên Vietnamnet.

    Hiến kế cải thiện ô nhiễm môi trường ở Hà Nội và TP HCM
    Daidoanket đưa tin: Chiều 14/10, tại TP HCM, đã diễn ra buổi tọa đàm, gặp gỡ báo chí với chủ đề về ô nhiễm không chí thời gian gần đây tại Hà Nội và TP HCM, đặt ra nhiều lo ngại về sức khỏe cộng đồng và vấn đề về Luật Tài nguyên – Môi trường và các chính sách trong nước để cải thiện tình hình ô nhiễm. Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn, Phó chủ tịch Hội nước và Môi trường TP HCM, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường TP HCM cho biết, trong thời gian gần đây, ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề môi trường đe doạ nghiêm trọng đến đời sống và sức khoẻ người dân. Tại thủ đô Hà Nội và TP HCM khảo sát về chỉ số chất lượng không khí (AQI) thường xuyên ở mức độ đỏ hoặc tím, thậm chí có những thời điểm hai thành phố này nằm trong top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Các thành phố gần như chìm hoàn toàn trong bụi, người dân ra đường thấy cay mắt, rát da, khó thở, ho, sổ mũi.

    Trong khi đó, TS Trần Ngọc Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ dự án và Đổi mới sáng tạo Đại học Y Dược TP HCM cũng chia sẻ các giải pháp về cải thiện tình hình ô nhiễm khi ông có thời gian nghiên cứu ở Tsukuba, Nhật Bản. Cũng tại buổi tọa đàm, bà Hoàng Minh Hồng, Giám đốc Điều hành Trung Tâm hành động và Liên kết vì môi trường và Phát triển, cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân ô nhiễm trong các hiện tượng ô nhiềm không khí thời gian gần đây ở Hà Nội và TP HCM, xuất phát từ khí thải công nghiệp, hoạt động của phương tiện giao thông, yếu tố thời tiết. Các ảnh hưởng ô nhiễm không khí này theo bà Hồng có tác động trong thời gian dài, với biểu hiện cấp tính là khó thở, ho hen, nguy hại mắt, thậm chí dẫn đến các triệu chứng mãn tính, như gây xơ vữa, tắt mạch máu, đột quỵ,…Tại tọa đàm, cả PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn và TS Trần Ngọc Đăng đều cho rằng, các giải pháp để giảm ô nhiễm cho hai đô thị Hà Nội và TP HCM cần làm ngay chính là phải giảm mật độ phương tiện giao thông; Kêu gọi việc di chuyển bằng các phương tiện công cộng và cải tiến các kỹ thuật trong các loại phương tiện giao thông hiện nay nhằm giảm khí thải.

    Quảng Ngãi: Hơn 10.000 USD xây dựng mô hình “làng không rác”
    Báo Saigongiaiphong đưa tin: Ngày 11-10, UBND xã Phổ Thạnh và HTX làng Gò Cỏ (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cùng hàng trăm hộ dân khởi động dự án “Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt làng Gò Cỏ”, hướng đến “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” tạo mô hình nhân rộng về “làng không rác”. Tham dự khởi động dự án “Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt làng Gò Cỏ” có ông Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO, TS Chu Mạnh Trinh, Chuyên gia bảo tồn, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, ông Nguyễn Việt Dũng, Đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương, cùng BQL Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh, HTX làng Gò Cỏ,... và hàng trăm hộ dân.

    Theo đó, Dự án “Giảm thiểu chất thải rắn sinh hoạt làng Gò Cỏ” thực hiện tại làng Gò Cỏ, thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, do tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (Pacific Environment-PE) tài trợ với tổng giá trị 10.000 USD. Đây là dự án tài trợ trang thiết bị và chuyển giao kỹ thuật sử dụng vốn viện trợ phi chính phủ nước ngoài không hoàn lại. Mục tiêu dự án là trên 50% hộ gia đình làng Gò Cỏ thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn, làm phân vi sinh (quý 4, 2019). Hướng đến việc cộng đồng người dân tại khu vực làng Gò Cỏ “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”, tạo mô hình nhân rộng về “làng không rác”, từ đó, định hướng làng Gò Cỏ tự cung tự cấp lượng phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt tại địa phương.

    Nước lau nhà có thể sản sinh chất nguy hiểm gây ô nhiễm không khí
    Nghiên cứu mới đây đăng trên tờ Khoa học và Công nghệ Môi trường đã tìm ra một số sản phẩm tẩy gia dụng thường được sử dụng có thể ngầm sản sinh chất ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí trong nhà xảy ra khi mùi của nước lau sàn phản ứng với một hợp chất có trong sản phẩm – được gọi là limonene – cùng với ánh sáng. Tuy nhiên, limonene có thể kích thích tạo nên một phản ứng hóa học khi tiếp xúc với mùi của nước lau sàn và ánh sáng. Chúng tạo nên chất ô nhiễm không khí, có thể gây khó chịu cho mắt và da, từ đó góp phần trong các vấn đề sức khỏe. Để tìm hiểu xem ô nhiễm trong nhà xảy ra như thế nào, các nhà khoa học từ Trường Đại học Toronto và Trường Đại Học Bucknell ở Pennsylvania đã sử dụng một môi trường để kích thích tạo ra phản ứng giữa limonene với khí chlorine và axit hypocholorous có trong sản phẩm lau chùi.

    Limonene và các khí trong sản phẩm nhanh chóng giải phóng một chất lỏng dễ bay hơi vào bóng tối. Nhưng các hợp chất sản sinh ra các chất khí gọi là aerosol hữu cơ thứ cấp (SOAs) khi có ánh đèn huỳnh quang hoặc ánh mặt trời. SOAs là thành phần chính cấu thành các hạt bụi PM 2.5. Những vật thể siêu nhỏ này có thể tạo ra một làn khói bụi mức độ cao và cũng có thể đi vào sâu trong phổi. Phơi nhiễm với những chất này có thể gây nên ảnh hưởng sức khỏe trong thời gian ngắn, bao gồm khó thở, ho, hắt xì và khó chịu ở mắt, mũi, cổ họng. Trong một số trường hợp, hít vào các hạt bụi PM 2.5 có thể ảnh hưởng tới chức năng phổi và dẫn tới các vấn đề nghiêm trọng hơn đối với người bị hen suyễn hoặc bệnh tim.

    Ô nhiễm không khí có thể khiến bạn hói đầu
    Nghiên cứu được chứng minh bởi các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy, nam giới tuổi 20 thường xuyên tiếp xúc với ô nhiễm không khí dễ bị hói đầu hơn bình thường. Phát hiện mới này vừa được trình bày tại Hội nghị của Viện Hàn lâm Da liễu và Bệnh viện EADV ở Marid (Tây Ban Nha). Để chứng minh cho quan điểm trên, các nhà khoa học nghiên cứu trên một số nhóm người có tuổi đời khoảng 20. Kết quả, đàn ông độ tuổi này thường xuyên để tóc tiếp xúc trực tiếp với khói bụi bị hói tóc sớm hơn rất nhiều so với người khác. Nhóm khoa học lấy các tế bào da đầu của con người (u nhú), cho tiếp xúc với nhiều nồng độ khác nhau của các loại bụi như: hạt diesel, bụi mịn (PM10). Đây đều là những hạt bụi được sản sinh từ  phương tiện giao thông, không thể phát tán nên lắng đọng lại bầu khí quyển, bám vào quần áo, da và tóc con người rồi gây bệnh – thông tin trên VTC News.

    Sau khi bám vào tóc, các hạt bụi này sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển của các nang lông trên đầu, gây cản trở việc mọc tóc. Ngoài ra, những hạt bụi này cũng khiến cho các protein có tác dụng nuôi dưỡng và duy trì cho tóc khỏe mạnh bị giảm dần. “Kết quả này cho thấy, ô nhiễm không khí, cụ thể là các hạt bụi như diesel hay bụi mịn là tác nhân khiến nam giới bị rụng tóc nhiều hơn”, bác sĩ Hyuk Chul Kwon phát biểu tại hội nghị. Theo The Sun, ô nhiễm không khí ước tính sẽ giết chết khoảng 4,2 triệu người mỗi năm. Nhưng điều lạ là rất ít người biết đến tác hại của nó với da và tóc. Vì vậy, phát hiện lần này nhằm mục đích cảnh báo cho người dân biết và phòng tránh những tác hại của môi trường. Xa hơn nữa, các nhà khoa học hy vọng sẽ sáng chế ra loại kem bôi có thể giảm bớt tình trạng rụng tóc do khói bụi ở đàn ông.
     
  • Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí

    Bà Rịa - Vũng Tàu: Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí
    Nhằm đảm bảo chất lượng môi trường, kiểm soát được nguồn ô nhiễm, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có Văn bản chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

    Bà Rịa -
     Vũng Tàu đã "nhận diện" nhiều "điểm nóng" ô nhiễm không khí
    Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay, do sức ép của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó đã xuất hiện một số khu vực có dấu hiệu ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
    Trong đó, nhiều hoạt động phát thải vào không khí có nguy cơ cao cho môi trường đã được cơ quan chức năng nhận diện như: hoạt động sản xuất công nghiệp có quy mô lớn như sản xuất thép, xi măng, hóa chất; hoạt động sản xuất chế biến hải sản, bột cá; hoạt động của các nhà máy xử lý chất thải trong Khu xử lý chất thải 100ha Tóc Tiên; hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản, xây dựng công trình, giao thông vận tải… Tuy nhiên, đến nay việc kiểm soát và xử lý triệt để các điểm nóng ô nhiễm không khí trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn và bị động.
    Nhằm đảm bảo chất lượng môi trường, kiểm soát được nguồn ô nhiễm, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Văn bản số 96 ngày 07/1/2020 về việc tiếp tục tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ TN&MT tại Văn bản 6551/BTNMT-TCMT về việc kiểm soát ô nhiễm không khí.
    Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao Sở TN&MT là đầu mối, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tăng cường thực hiện công tác quan trắc môi trường; tăng tần suất quan trắc môi trường không khí trong chương trình quan trắc định kỳ và hệ thống các trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn; khẩn trương đầu tư và đưa vào hoạt động hệ thống quan trắc không khí tự động để đảm bảo thông tin kịp thời cho cộng đồng và phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chất lượng không khí trên địa bàn.
    Trường hợp xảy ra ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn có hại cho sức khỏe, đơn vị chức năng cần kịp thời cảnh báo cho cộng đồng, nhân dân. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các đơn vị trực thuộc nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường không khí, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch quản lý chất lượng không khí trên địa bàn và các nội dung đã được giao tại Quyết định số 985a ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
    UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giao Sở, ngành, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và người dân có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm không khí nói riêng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ sau thu hoạch; tổ chức thực hiện các biện pháp hạn chế phát sinh khí thải từ phương tiện giao thông và hoạt động xây dựng.
    Đặc biệt, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm kê, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân các nguồn phát sinh khí thải trên địa bàn để có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường không khí theo quy định; công khai thông tin về các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí, các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
     
  • Giải “bài toán” ô nhiễm làng nghề tại Ninh Bình

    Giải “bài toán” ô nhiễm làng nghề tại Ninh Bình
    Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 75 làng nghề được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận, nằm trên địa bàn của 8 huyện, thành phố. Trong đó, có 5 làng nghề chế biến, bảo quản nông lâm, thuỷ sản; 58 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như: chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, cói, mây tre đan, mộc, gốm sứ; 11 làng nghề gây trồng kinh doanh sinh vật cảnh và 1 làng nghề xây dựng.
    Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, ô nhiễm môi trường làng nghề có nguy cơ xảy ra tại các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ và làng nghề chế biến lương thực, nông sản tại huyện Yên Khánh, Yên Mô và Hoa Lư. Các xã có làng nghề tại địa bàn 3 huyện trên đã lập phương án BVMT làng nghề, trình UBND huyện phê duyệt theo quy định, làm cơ sở để các làng nghề triển khai thực hiện công tác BVMT.
    Ô nhiễm không khí tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh chủ yếu là ô nhiễm bụi và tiếng ồn từ làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân. Hiện các cơ sở sản xuất trong làng nghề đã lắp đặt hệ thống hút bụi khu vực sản xuất, đầu tư trang thiết bị dẫn nước đến máy mài, cắt để giảm thiểu bụi.
    Một góc làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân
    Đầu tư thiết bị CNC để thay thế người lao động trực tiếp. UBND huyện Hoa Lư đã hỗ trợ dụng cụ bảo hộ lao động cho nhân dân làng nghề và không cho phép thành lập mới các công đoạn sản xuất (như chuẩn bị nguyên liệu, tạo hình sản phẩm, công đoạn sử dụng hoá chất bề mặt) trong khu dân cư. Thành lập CCN Ninh Vân để di dời các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ vào sản xuất tập trung tại CCN, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
    Nước thải phát sinh chủ yếu tại 2 làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm là làng nghề bún Yên Ninh, huyện Yên Khánh và làng nghề bún Yên Thịnh, huyện Yên Mô với lưu lượng nước khoảng 3.400 m3/ngày đêm. Hiện làng nghề bún bánh Yên Ninh đã được đầu tư dự án “Xây dựng hệ thống xử lý môi trường làng nghề bún bánh Yên Ninh” với công suất 500 m3/ngày đêm và dự án “Cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, xử lý môi trường làng nghề thị trấn Yên Ninh”.
    Các dự án được triển khai xây dựng từ năm 2012 đã cải tạo, nâng cấp toàn bộ hạ tầng kỹ thuật xử lý môi trường cho làng nghề, nước thải được thu gom, xử lý toàn bộ, không còn tình trạng xả nước thải chưa đảm bảo kỹ thuật ra môi trường như trước. Đối với làng nghề bún Yên Thịnh, do chỉ còn 11 hộ tham gia sản xuất nghề bún nên UBND huyện Yên Mô đã yêu cầu 11 hộ thực hiện thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài môi trường.
    Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại như quy mô sản xuất tại nhiều làng nghề nhỏ, khó phát triển vì mặt bằng sản xuất chật hẹp xen kẽ với khu vực sinh hoạt. Các khu sản xuất của làng nghề không tập trung mà nằm rải rác, xen kẽ giữa các hộ dân cư nên việc xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải gặp nhiều khó khăn và cần nhiều kinh phí.
    Nước thải tại các làng nghề chưa được xử triệt để là một trong những nhân tố gây ô nhiễm môi trường
    Nguyên nhân là do nếp sống của người chủ sản xuất nhỏ có nguồn gốc nông dân đã ảnh hưởng mạnh tới sản xuất tại làng nghề, làm tăng mức độ ô nhiễm môi trường. Vốn đầu tư của các cơ sở sản xuất tại các làng nghề quá thấp, khó có điều kiện phát triển hoặc đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường. Trình độ người lao động, chủ yếu là lao động thủ công, học nghề, văn hoá thấp, nên hạn chế nhận thức đối với công tác BVMT.
    Cũng theo UBND tỉnh Ninh Bình thì trong thời gian tới, các ngành chuyên môn của tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường công tác BVMT làng nghề như tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác BVMT cho nhân dân tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Có chính sách hỗ trợ để di chuyển các hộ sản xuất tại các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm vào các cụm công nghiệp.