Dùng rác “bẫy rác” hay xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai kép lũ quét, sạt lở đất là những ý tưởng của các bạn trẻ tâm huyết bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.
* Dùng rác “bẫy rác”
ThS Hồng Cẩm Ngân, Trường Đại học Nam Cần Thơ, Trưởng nhóm nghiên cứu “Dùng rác nhựa bẫy rác nhựa” cho biết, quan sát thấy, tất cả các chợ ven sông, kênh trong nội ô Cần Thơ đều có hệ thống bờ kè, nên nhóm tận dụng để lắp bẫy rác. Từ những túi nilon đã qua sử dụng, nhóm giảng viên trẻ đã đan thành lưới kết hợp với hệ thống cần trục quay tay, ròng rọc… để tạo thành lưới thu gom rác ở các chợ ven sông.
Túi thu gom rác được kết cấu như một cái vợt, miệng là khung sắt hình chữ nhật (1m x 1,5m) và túi lưới (được đan từ các loại rác nilon đã qua sử dụng) có kích thước 1m x 1,5m x 1m. Ở cạnh đáy túi được cột 1 sợi dây thừng dài 2m, đầu còn lại của sợi dây được mắc hờ vào thành lan can bờ kè. Quy mô ban đầu mỗi bẫy rác có thể thu gom từ 10 - 20kg rác mỗi ngày và lượng rác đó sẽ được các công nhân môi trường thu gom. Với hệ thống đơn giản, dễ dàng trong việc thao tác để kéo túi lưới và thu gom nên rất tiện lợi và tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Cuối ngày, công nhân môi trường sẽ quay cần trục để đưa túi thu gom rác lên cao, khi đó họ sẽ kéo sợi dây thừng để rác trong túi thu gom có thể đổ qua xe trung chuyển một cách dễ dàng. Lúc này, họ có thể phân loại rác, lấy những rác có thể tái chế để bán giúp tạo thêm thu nhập và giảm lượng rác thải bỏ. Ngoài ra, có thể tận dụng lại các bao nilon được thu gom để đan thêm lưới để mở rộng mô hình và thay thế các lưới cũ.
Nhóm mong muốn sẽ thí điểm sau đó cải tiến và đề xuất mở rộng áp dụng “Dùng rác nhựa bẫy rác nhựa”. Phạm vi đặt các thiết bị sẽ được thí điểm tại các khu chợ nhỏ ven sông và bờ kè của TP Cần Thơ và sẽ được theo dõi diễn biến môi trường trong thời gian thí điểm.
Áp dụng 'bẫy rác' tại một kênh ô nhiễm tại TPHCM.
Cảnh báo “kép” thiên tai và sạt lở đất
Xây dựng bản đồ cảnh báo thiên tai kép lũ quét và sạt lở đất ở Quảng Nam là ý tưởng của nhóm học sinh gồm Lê Quang Dương và Lê Thị Thanh Thảo, lớp 10C1, Trường THPT Lê Quý Đôn (Tam Kỳ, Quảng Nam).
Theo đó, nhóm tích hợp bản đồ cảnh báo là nhiều loại bản đồ khác nhau, trong đó bản đồ số là quan trọng nhất. Cụ thể, bản đồ dự báo lũ quét được xây dựng từ 7 bản đồ thành phần. Bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở - lũ quét được tạo ra bằng cách chồng chập hai bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất và phân vùng nguy cơ lũ quét. Trong khi đó, bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở, lũ quét cùng với phân tích ảnh viễn thám, ảnh chụp flycam, khảo sát thực địa kết hợp với kiến thức về cơ chế hình thành tai biến kép, nhóm đã xây dựng bản đồ tai biến kép trượt lở, vỡ đập gây lũ quét.
Nhóm nghiên cứu cho biết, hiện ở Việt Nam chưa có sản phẩm nào nghiên cứu cả ba dạng thiên tai lũ quét, trượt lở đất và tai biến kép trượt lở đất – lũ quét. Thành quả của nhóm là ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS để xây dựng các bản đồ số. Xây dựng bản đồ hiện trạng trượt lở đất tại Quảng Nam; Xây dựng được bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đến cấp xã, cấp huyện tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét đến cấp xã, cấp huyện tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; Xây dựng bản đồ các đánh dấu các khối trượt nguy cơ cao gây ra trượt lở tạo lũ quét, lũ bùn đá bằng phân tích ảnh viễn thám và khảo sát thực địa, chụp ảnh flycam.
Không chỉ xây dựng bản đồ, nhóm còn đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do tai biến kép gây ra; Thiết kế hệ thống cảnh báo sạt lở tức thời theo thời gian thực cảnh báo nguy cơ trượt lở - lũ quét thời gian ngắn từ 1 - 10 ngày sắp tới. Nhóm nghiên cứu hy vọng, bản đồ giúp cho chính quyền địa phương quy hoạch lại đô thị, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trước khi tai biến xảy ra. Ngoài ra, việc biết trước nguy cơ xảy ra trượt lở đất, lũ quét, tai biến kép, giúp người dân có thể sắp xếp công việc, nâng cao năng suất làm việc, kịp có những biện pháp phòng ngừa hợp lý.
Nguồn: Bộ Tài Nguyên và Môi Trường